Sân khấu hoạt động trở lại: “Cơn sóng” mới mẻ, thú vị

0
62
Từ cuối tháng 5 này, các đơn vị nghệ thuật sân khấu đồng loạt trở lại biểu diễn phục vụ khán giả sau thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, đây là thời điểm cần thay đổi tư duy nghệ thuật, sáng tạo những chương trình chất lượng, hấp dẫn, để thiết lập lại thói quen đến sân khấu của công chúng. Vì vậy, các đơn vị đều tập trung đầu tư, mong tạo “cơn sóng” mới mẻ, thú vị trên sân khấu.
Tiếp tục triển khai dự án “Bay lên những ước mơ 2”, Nhà hát Tuổi trẻ đem đến cho các em nhỏ nhiều chương trình hấp dẫn.

 

Chào hè hấp dẫn, đa dạng

Vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đánh dấu sự trở lại đồng loạt của sân khấu cả nước, vừa diễn tối 23-5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã đem lại niềm vui cho khán giả và sự lạc quan cho sân khấu. Tác phẩm này cũng tạo đà cho vở “Nữ cảnh sát” đang được Nhà hát Kịch Việt Nam ráo riết luyện tập để kịp ra mắt giữa tháng 6 tới.

Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã xúc tiến các hoạt động quảng bá từ đầu tháng 5, để ngày 31-5 “chào hè” với chương trình ca múa nhạc – kịch vui “Trống Choai đi đâu thế?”. Theo Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, bước vào mùa hè năm nay, đơn vị tiếp tục thực hiện dự án “Bay lên những ước mơ 2” – đưa các chương trình đặc sắc phục vụ thiếu nhi cả nước. Ngoài ra, nhà hát còn đem đến cho các em nhỏ những trải nghiệm mới với vở kịch vui “Vaxilixa và phù thủy độc ác”, nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến vô cực”…

Những ngày này, lịch tập luyện tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam kín đặc. Từ ngày 29-5, sân khấu tròn của Rạp Xiếc trung ương sẽ đón khán giả với vở “Sự trở lại của cướp biển 2020”. Mối tình kỳ thú trên đại dương được thể hiện bằng những tiết mục công phu, mạo hiểm, cộng hưởng với sân khấu hiện đại, hứa hẹn tạo sự bất ngờ cho khán giả. Ngoài ra, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn xây dựng chương trình “Mùa hè sôi động” lưu diễn xuyên suốt dịp hè. Nhà hát Múa rối Thăng Long “sáng đèn” trở lại vào cuối tuần tới bằng vở rối cạn mới “Mèo và chuột”, vừa hấp dẫn, vừa mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đưa các vở đặc sắc, như: “Công chúa tóc mây”, “Bay lên từ mặt nước”… phục vụ lưu động trên địa bàn Thủ đô.

Sân khấu tư nhân cũng sôi nổi chuẩn bị khởi diễn. Vở “Cây tre thần” – cuộc hội tụ của giá trị nhân văn và tính giải trí, được sân khấu Lệ Ngọc đưa trở lại biểu diễn từ ngày 21-5.

Đoàn kịch LucTeam dự định công diễn vở “Bạch đàn liễu” dựng theo lối biểu hiện ước lệ vào tháng 6 tới…

Hiện các đơn vị đang tập trung tập luyện và xây dựng lịch diễn. Tất cả chương trình, buổi diễn đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hướng đến chiến lược mới

Trở lại phục vụ khán giả trong trạng thái bình thường mới, các đơn vị sân khấu đều tính toán và có những chiến lược hoạt động để thu hút và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, là đơn vị nhiều năm giữ kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, đơn vị tạm dừng phục vụ khán giả. Trở lại biểu diễn đợt này, nhà hát xây dựng chương trình hướng đến khán giả trong nước, nhất là đối tượng thiếu nhi.

“Trước đây, nhà hát chủ yếu phục vụ khán giả quốc tế, còn bây giờ, chúng tôi lên phương án dàn dựng các tác phẩm dành cho khán giả trong nước. Đây là chiến lược mới, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nghệ thuật Thủ đô, vừa tạo bước chuyển để nhà hát đứng vững trên đôi chân của mình”, Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng cho biết thêm.

Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thời gian tạm dừng biểu diễn vừa qua giúp các đơn vị nghệ thuật lắng lại, dồn tâm huyết sáng tạo những chương trình, tác phẩm mới, đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng.

Trở lại sàn diễn sau một thời gian vắng bóng vào dịp này với vở “Nữ cảnh sát”, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Khánh, Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Tình yêu với sân khấu luôn cháy bỏng trong tôi, nên bất cứ khi nào có vai diễn thích hợp, tôi đều sẵn sàng cống hiến”. Đây có lẽ là “con bài” chiến lược của Nhà hát Kịch Việt Nam để kéo khán giả đến sân khấu. Háo hức sắp được quay lại các “thánh đường nghệ thuật”, chị Phạm Thùy Linh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho hay: “Được thưởng thức nghệ thuật tại sân khấu, tương tác trực tiếp với nghệ sĩ luôn là trải nghiệm đặc biệt trong các hình thức giải trí”.

Sân khấu với sự chuẩn bị trở lại chu đáo cùng nhiều chương trình chất lượng, chắc chắn sẽ tạo nên những “cơn sóng” hấp dẫn khán giả, kích thích nghệ sĩ sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ.

Thúy An (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây