Lazada và Shopee – “cuộc chiến” thương mại điện tử không hồi kết tại Đông Nam Á

0
169

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi iPrice và AppAnnie nhằm đánh giá các thương hiệu thương mại điện tử đang thống trị tại Đông Nam Á. Trong đó, Lazada và Shopee hiện là 2 đối thủ lớn mạnh dẫn đầu thị trường này.

Nghiên cứu tập trung vào quý 1 năm 2019 cho sáu thị trường Đông Nam Á (SEA), bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Số liệu phân tích đến từ MAU – lượng người dùng tương tác hàng tháng của mỗi ứng dụng thương mại điện tử. Về tổng thể, Shopee và Lazada đạt thành tích vượt trội nhất.

Điều này có thể giải thích từ khoản đầu tư khổng lồ mà cả hai nền tảng đã nhận được gần đây. Cụ thể, Alibaba đã “bơm vốn” 2 tỷ đô la Mỹ vào Lazada, còn Shopee đã huy động thêm 1,5 tỷ đô la tài trợ trên sàn New York hồi tháng 3/2019 qua.

Đáng chú ý, Shopee là ứng dụng duy nhất có sự gia tăng (5%) tổng số lượt truy cập từ quý 4 năm 2018 sang quý 1 2019, trong khi Lazada bị sụt giảm 12%.

Theo phân tích của iPrice và AppAnnie, yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa 2 “ngôi chợ” điện tử này xuất phát từ chiến lược tiếp thị cho các sự kiện khuyến mãi khổng lồ giữa các quý. Chẳng hạn như Lazada tập trung vào các dịp Sale 11.11 và Giáng sinh vào quý 4 năm 2018 so với Tết Nguyên Đán và Sale sinh nhật Lazada vào quý 1 năm 2019.

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù bị dẫn trước bởi Shopee nhưng Lazada không hề nao núng và liên tục đưa ra chiến thuật để lật ngược tình thế trong thời gian gần đây. Năm 2019, Lazada công bố hoàn tất việc tích hợp cơ sở hạ tầng công nghệ từ Alibaba.Tổng giám đốc Lazada Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ là thị trường phát triển thương mại điện tử còn lớn mạnh hơn nữa với dân số đông và tốc độ phát triển kinh tế không ngừng.

Tuy nhiên không phải lúc nào Shopee và Lazada cũng chỉ tập trung “so kè tay đôi” với nhau. Sự gia tăng của nhiều ứng dụng thương mại điện tử trong nước như Tokopedia và Bukalapak tại Indonesia, hay Tiki của Việt Nam cũng khiến hai ông lớn phải đau đầu tìm cách giữ vị thế hiện tại. Đây là những nền tảng thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tiếp theo Shopee và Lazada ở Đông Nam Á trong quý 1 năm 2019.

Điển hình như Tokopedia, mặc dù chỉ có sẵn ở thị trường quê nhà nhưng nó được đánh giá là “gã khổng lồ” trong số các ứng dụng thị trường đơn nhất hiện nay (single-market apps). Đối thủ đầy hứa hẹn đến từ Indonesia này cũng vừa nhận được 1 tỷ đô la tài trợ từ các nhà đầu tư gần đây để mở rộng thế lực.

Đối với các ứng dụng Trung Quốc và Mỹ, ngoại trừ Lazada do Alibaba sở hữu, thành công của họ cũng được đánh giá khá tốt với hai cái tên nổi bật là Alibaba.com và Taobao. Chúng có vẻ tốt hơn ở các quốc gia nói tiếng Trung Quốc. Ngoài ra, Amazon chứng tỏ thành tích hoạt động tốt nhất ở Philippines và Singapore khi ra mắt Amazon Prime vào năm ngoái.

Đông Nam Á (SEA) được đánh giá là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. “Kẻ tám lạng, người nửa cân” liên tục đưa ra những chiến thuật cạnh tranh khắc nghiệt. Mặc dù Shopee và Lazada đang dẫn đầu với những mô hình bán hình trực tuyến sáng tạo và thu hút nhưng cũng không thể bỏ qua những đối thủ khác đang bắt đầu “làm mưa làm gió”.

Thị trường càng mở rộng và ngày càng đông đúc, chỉ có những người chơi biết tận dụng thời thế thì mới có được chỗ đứng vững chắc. Nhìn từ một khía cạnh khác, iPrice và AppAnnie cho rằng sự cạnh tranh khắc nghiệt giữa các đối thủ chính là cơ hội cho người tiêu dùng đa dạng hóa sự lựa chọn của mình, đồng thời là đòn bẩy giúp SEA tiến tới ngôi vị nền kinh tế di động phát triển nhất hành tinh.

(Nguồn: https://advertisingvietnam.com)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây